CV có lẽ là thuật ngữ không còn xa lạ gì đối với tất cả chúng ta, nhưng hiểu rõ khái niệm CV là gì và cách sắp xếp bố cục một chiếc CV xin việc hợp lý đối với nhiều người vẫn còn là vấn đề nan giải. Trong bài viết này, TopOnSeek sẽ giải đáp những thắc mắc và sẽ chia sẻ đến bạn một vài tips cơ bản để viết một chiếc CV ấn tượng, giúp bạn nổi bật trước nhà tuyển dụng, cùng với các ví dụ viết CV giúp bạn dễ hình dung.
Giống với sơ yếu lý lịch (resume), CV thường là ấn tượng đầu tiên của nhà tuyển dụng về chuyên môn cũng như trình độ học vấn của bạn, do đó, biết cách sắp xếp bố cục của CV một cách hợp lý là điều rất quan trọng, sao cho chiếc hồ sơ xin việc này có thể thể hiện một cách tốt nhất thành tích và kinh nghiệm của bạn.
Tùy vào lĩnh vực và công việc bạn muốn ứng tuyển, nhà tuyển dụng có thể yêu cầu CV thay vì resume. Ngoài việc được dùng để ứng tuyển tại các công ty trong nước, CV cũng có thể là chìa khóa mở ra cánh cửa cho các chương trình tài trợ, học bổng và công việc trên khắp thế giới.
CV là gì?
CV là viết tắt của cụm từ tiếng Latin “Curriculum Vitae”, là tài liệu thể hiện sự nghiệp và học vấn của bạn một cách chi tiết. CV thường bao gồm các thông tin như kinh nghiệm làm việc, thành tích, giải thưởng, học bổng hoặc tài trợ mà bạn đã nhận được, luận án, luận văn, dự án nghiên cứu và các sản phẩm mà bạn đã hoàn thành. CV thường dài một hoặc hai trang, nhưng đối với những người xin việc ở cấp trung hoặc cao hơn (senior là một ví dụ), sẽ chẳng có gì lạ khi CV của họ có thể dài hơn mức bình thường, vì hồ sơ xin việc đóng vai trò như một bản phác thảo đầy đủ về thành tích sự nghiệp của một ứng viên.
Tại sao phải viết CV xin việc?
Khi bạn đi xin việc, điều đầu tiên bạn phải làm chính là nộp một bản CV và đôi khi, theo ý muốn của nhà tuyển dụng, sẽ phải kèm theo một lá thư xin việc (Cover letter). Vậy tại sao phải viết CV xin việc?
Như đã nói ở trên, CV là tài liệu sẽ thể hiện một cách chi tiết nhất tất cả những kinh nghiệm chuyên môn cũng như học vấn của bạn, đồng thời cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là người phù hợp nhất với công việc. Một CV được xây dựng tốt sẽ phác thảo được các kỹ năng và kinh nghiệm của bạn, làm nổi bật giá trị của bạn, từ đó thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng, cho họ biết rằng bạn là người phù hợp với công việc. Một CV ấn tượng sẽ giúp bạn vượt qua vòng chọn lọc CV để được vào phỏng vấn.
CV và Sơ yếu lý lịch
CV và sơ yếu lý lịch (resume) giống nhau ở chỗ cả hai đều là tài liệu tóm tắt về quá trình làm việc, trình độ học vấn, kỹ năng và thành tích của bạn. Nói một cách đơn giản, CV và Resume đều là tài liệu mà bạn có thể cung cấp cho nhà tuyển dụng xem xét khi muốn ứng tuyển một vị trí nào đó.
Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là ở Mỹ và hầu hết các nước châu Âu, CV và Resume không thể thay thế cho nhau. Resume thường là tài liệu 1 trang, cung cấp cái nhìn tổng quan, ngắn gọn về các vị trí công việc, kỹ năng mà bạn có trước đây cùng với thông tin chi tiết về học vấn của bạn. Từ “Résumé” trong tiếng Pháp có nghĩa là “bản tóm tắt” hay “bản trích yếu”.
Ngược lại, CV thường dài hơn, chi tiết hơn, và tập trung chủ yếu vào các dự án hay nghiên cứu học thuật. CV thường được yêu cầu trong các ngành như giáo dục, học thuật cũng như khoa học và nghiên cứu. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp ngoại lệ. Ở Ấn Độ, Nam Phi và Úc, các thuật ngữ CV và Resume sẽ đồng nghĩa với nhau.
Nếu bạn đã từng viết Resume, có thể bạn sẽ muốn rút ngắn CV của mình gói gọn trong 1 trang. Tuy nhiên, vì CV yêu cầu rất nhiều thông tin nên chúng thường có độ dài nhiều trang hơn. Nói cách khác, đừng cắt các chi tiết quan trọng chỉ để tiết kiệm không gian cho chiếc CV của mình.
CV bao gồm những gì?
Khi đi xin việc, CV của bạn phải thể hiện cụ thể nền tảng và lý do tại sao bạn lại phù hợp với công việc đang ứng tuyển. Nếu bạn vẫn đang băn khoăn không biết viết hồ sơ xin việc như thế nào thì dưới đây là một số bước bạn có thể áp dụng để chắc chắn rằng CV của mình là một chiếc CV hiệu quả.
Hầu hết CV sẽ bao gồm các phần sau:
Thông tin liên hệ
Trình độ học vấn
Kinh nghiệm làm việc
Chuyên môn và kỹ năng
Giải thưởng
Các sản phẩm, dự án đã làm
Hoạt động chuyên môn (Professional associations)
Tài trợ và học bổng
Bằng cấp và chứng chỉ
Thông tin cá nhân (không bắt buộc)
Sở thích liên quan (không bắt buộc)
Cách viết CV gây ấn tượng với nhà tuyển dụng
Khi viết CV, bạn hãy làm theo các bước sau:
1. Viết thông tin liên hệ
Bao gồm đầy đủ họ và tên, số điện thoại, địa chỉ và email.
2. Chi tiết quá trình học tập theo thứ tự từ gần đến xa
Ví dụ bạn nên ghi quá trình học tập của mình từ chương trình sau tiến sĩ rồi tới thạc sĩ, cử nhân, tốt nghiệp cấp ba… Lưu ý rằng chỉ nên điền vào CV hai chương trình giáo dục gần đây nhất của bạn, tốt nghiệp không quá năm năm. Nhà tuyển dụng thường sẽ quan tâm đến kinh nghiệm chuyên môn của bạn nhiều hơn, do đó bạn nên chú trọng vào phần kinh nghiệm để hướng sự tập trung của nhà tuyển dụng vào những thông tin đó.
3. Kinh nghiệm làm việc
Liệt kê công ty hoặc tổ chức, chức vụ đảm nhận, ngày tháng làm việc tại công ty, bắt đầu từ công việc gần đây nhất. Kể ra các nhiệm vụ công việc, kinh nghiệm đạt được và thành tích của bạn khi làm việc tại công ty đó. Nên bắt đầu mỗi gạch đầu dòng bằng một động từ khi liệt kê các công việc bạn đã làm tại công ty.
Một tip mà bạn có thể áp dụng khi viết CV đó chính là sử dụng những con số. Nếu có thể, bạn hãy minh họa thành quả mình đạt được bằng những con số cụ thể. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng thấy được kết quả chính xác mà bạn đã mang lại cho công ty trước đó. Để làm được như vậy, hãy nêu cụ thể những thông tin sau:
- Doanh thu: Bạn đã giúp công ty mang lại thêm bao nhiêu doanh thu hằng năm? Bạn đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền cho công ty, trong vòng bao nhiêu năm?
- Phần trăm: Bạn đã tăng hiệu quả của một quy trình lên bao nhiêu phần trăm? Bạn đã giúp giảm thiểu sai sót bao nhiêu phần trăm? Bạn đã vượt chỉ tiêu bán hàng của mình bao nhiêu phần trăm?
- Số liệu: Bạn đã quản lý bao nhiêu nhân viên? Bạn đã trả lời bao nhiêu cuộc gọi mỗi ngày? Bạn đã phối hợp với bao nhiêu văn phòng / địa điểm trong một dự án?
Ví dụ thay vì chỉ nói rằng bạn có kinh nghiệm làm nhân viên sale trong hai năm, thì bạn có thể nói trong vòng hai năm làm nhân viên sale đó, bạn đã ký kết được 100 hợp đồng, mang về doanh thu 1 tỷ,….
4. Các kỹ năng và bằng cấp liên quan
Mục kỹ năng có thể được tách ra làm một phần riêng biệt. Bạn hãy đọc lại mô tả công việc (job description) rồi từ đó, làm nổi bật các kỹ năng quan trọng nhất mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Các kỹ năng này có thể bao gồm cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm, điều này giúp bạn trở thành ứng viên sáng giá nhất cho công việc mà bạn muốn ứng tuyển.
5. Liệt kê các danh hiệu và giải thưởng
Sử dụng phần này để nêu bật những thành tựu mà bạn đã đạt được trong lĩnh vực liên quan đến công việc mà bạn muốn ứng tuyển. Bắt đầu với tên giải thưởng, tiếp theo là năm bạn được trao, tổ chức đã trao giải cho bạn và thông tin chi tiết về giải thưởng đó như tần suất trao giải, bao nhiêu người được nhận, v.v.
Ví dụ:
Giải nhất cuộc thi viết bài cho báo Le Courrier du Vietnam 2021
Tài trợ du học Pháp
Học bổng Eiffel
6. Các sản phẩm đã làm
Đây không phải là mục quá phổ biến trong CV, tuy nhiên, nếu bạn ứng tuyển vào vị trí Content, nhà báo hay tác giả,… thì đây sẽ là mục cần thiết mà bạn không nên bỏ qua. Bạn sẽ viết các trích dẫn về những dự án, sản phẩm, bài báo, nghiên cứu, hay xuất bản sách,…mà bạn đã làm trước đó, những sản phẩm bạn cho là quan trọng, cần phải liệt kê trong quá trình làm việc của mình.
>>> Tìm hiểu thêm: Content Marketing Là Gì?
7. Hoạt động chuyên môn (professional associations)
Professional associations hay professional affiliations là danh sách các công việc bạn tham gia với tư cách là thành viên của một tổ chức, hiệp hội liên quan đến chuyên môn nghề nghiệp của bạn hoặc các lĩnh vực học thuật khác.
Thông thường, những người tìm việc sẽ liệt kê vai trò của họ các trong tổ chức và một vài kỹ năng chính khi hoạt động ở những tổ chức đó vào CV. Mục tiêu của phần này là để chứng minh các kỹ năng và mối liên hệ của ứng viên khiến họ trở thành ứng viên lý tưởng cho vị trí ứng tuyển.
Vậy nên trình bày hoạt động chuyên môn như thế nào? Bạn phải viết rõ tên của các tổ chức, giải thích vai trò của bạn trong tổ chức, ngày tháng tham gia. Ngoài ra, bạn có thể liệt kê các kỹ năng và thành tựu mà bạn đã đạt được khi hoạt động tại các tổ chức này. Bạn cũng có thể gộp chung các hoạt động chuyên môn vào mục kinh nghiệm làm việc.
Ví dụ:
Thành viên ban biên tập nội dung
Câu lạc bộ Phát thanh Kí túc xá Đại học Quốc gia năm 2020 – nay
8. Soát lỗi CV
Trước khi nộp đơn xin việc, hãy nhớ xem lại thật kỹ CV của bạn xem có sai sót hay mâu thuẫn nào không. Nếu có thể, bạn hãy nhờ một đồng nghiệp đáng tin cậy hoặc người có kinh nghiệm trong ngành bạn đang muốn ứng tuyển xem qua CV. Ý kiến của những người có chuyên môn sẽ giúp CV của bạn ấn tượng, chỉn chu hơn.
Một số nhà tuyển dụng hoặc các công ty, tổ chức, có thể cung cấp mẫu CV và ví dụ CV của riêng họ để đảm bảo rằng bạn liệt kê đầy đủ tất cả thông tin được yêu cầu theo mẫu mà họ mong muốn. Vì vậy, trước khi bạn gửi đơn xin việc, hãy chắc chắn rằng bạn đã hiểu đúng và làm theo tất cả các yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Một số lưu ý khi viết CV
- Bạn phải luôn điều chỉnh CV của mình sao cho phù hợp với vị trí ứng tuyển
- Có mục tiêu công việc rõ ràng
- Kiểm tra lại lỗi chính tả, định dạng CV trước khi gửi cho nhà tuyển dụng, tránh trường hợp thông tin liên hệ không chính xác
- Nên ngắn gọn, súc tích, đừng viết CV quá dài. Nhà tuyển dụng thường bận rộn và phải sàng lọc rất nhiều CV. Độ dài CV từ 1-2 trang là phù hợp nhất
- Đừng đặt những chi tiết cá nhân không liên quan vào CV
Cách viết mail xin việc hiệu quả
Để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng và để vòng xét duyệt CV thành công trót lọt, ngoài việc đầu tư một chiếc CV chuẩn, bạn cũng nên chú trọng vào cách thức và nội dung khi viết mail ứng tuyển.
Một vài lưu ý khi viết email xin việc:
- Đầu tiên là tên gmail, địa chỉ gmail của bạn phải đơn giản, chuyên nghiệp, tốt nhất nên để họ tên và một vài con số cụ thể để không bị trùng lặp.
- Thứ hai là tiêu đề, về cách đặt tiêu đề mail, đa số khi đăng bài ứng tuyển, nhà tuyển dụng sẽ nêu rõ khi gửi CV bạn phải đặt tiêu đề mail như thế nào, việc của bạn là làm đúng theo chỉ dẫn đó. Trường hợp nhà tuyển dụng không đề cập đến, bạn có thể đặt tiêu đề là: [Họ và tên] – [Vị trí ứng tuyển] – [Tên công ty].
- Về nội dung mail, bạn nên viết ngắn gọn, bao quát, câu từ lịch sự. Phải nêu được nơi bạn biết đến công việc này, khái quát về kỹ năng, lý tại sao muốn ứng tuyển vị trí này. Lưu ý mail xin việc khác với thư xin việc (Cover letter), hãy đảm bảo rằng mail của bạn ngắn gọn, rõ ràng nhưng vẫn đầy đủ thông tin.
- Chữ ký gmail: Để thêm phần chuyên nghiệp, bạn nên cài đặt chữ ký gmail. Thông thường, chữ ký mail sẽ bao gồm: họ và tên, số điện thoại, một số thông tin như địa chỉ facebook, website,…
>>> Tìm hiểu thêm:
Cách tạo tài khoản Gmail mới nhanh chóng, đơn giản nhất
Best Regards vs. Kind Regards: Cách sử dụng chúng trong mỗi email
Mẫu CV
Hầu hết các CV đều sẽ có chung một cấu trúc cơ bản, cách sắp xếp và nội dung của CV sẽ phụ thuộc vào vị trí bạn ứng tuyển. Khi sắp xếp CV, trước tiên bạn hãy liệt kê những phần tiêu biểu nhất để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng, đó có thể là kinh nghiệm làm việc hay một dự án, sản phẩm ấn tượng nào đó mà bạn đã hoàn thành. Dưới đây là mẫu CV bạn có thể tham khảo:
Thông tin liên hệ
[Tên]
[Địa chỉ]
[Số điện thoại]
[Email]
Học vấn
[Bằng cấp]
[Chuyên ngành]
[Tên trường]
[Niên khóa]
Kinh nghiệm
[Tên chức vụ gần đây nhất]
[Ngày bắt đầu – Ngày kết thúc]
[Tên công ty, tổ chức]
- Mô tả ngắn gọn về nhiệm vụ công việc
- Sử dụng các cụm từ ngắn gọn nhất có thể
Kỹ năng và chứng chỉ
Sử dụng dấu đầu dòng để liệt kê các kỹ năng
Liệt kê tên cụ thể của các chứng chỉ và tổ chức đã cung cấp chứng chỉ
Giải thưởng và danh hiệu
Một số website hỗ trợ tạo CV xin việc đẹp, miễn phí
Ngày nay, khi công nghệ phát triển, CV bản mềm thường được ưa chuộng hơn. Để có một chiếc CV đẹp, ấn tượng giờ đây không phải là chuyện khó khăn. Có rất nhiều website hỗ trợ bạn tạo CV xin việc chuyên nghiệp, bạn chỉ cần tìm một mẫu CV mà mình yêu thích, sau đó điền các thông tin cần thiết, chỉnh sửa sao cho phù hợp là đã có ngay một chiếc CV hoàn toàn ưng ý.
TopOnSeek giới thiệu đến bạn một số website sau:
1. Canva
Canva có lẽ là website không còn xa lạ gì với tất cả chúng ta. Ngoài thiết kế CV, website này còn cung cấp rất nhiều những mẫu thiết kế khác như powerpoint, poster, thiệp mời,…Mẫu CV trên Canva rất đa dạng, phong phú. Bạn hoàn toàn có thể tìm được mẫu CV yêu thích, phù hợp với tính chất công việc ứng tuyển. Bạn cũng có thể tự thiết kế riêng cho mình một chiếc CV theo sở thích của mình.
2. TopCV
TopCV là một trong những website hữu ích trong việc tìm kiếm việc làm. Chỉ cần một vài thao tác đơn giản, bạn đã có thể lập được tài khoản cho riêng mình. Giờ đây, tạo CV để ứng tuyển vào vị trí mong muốn trở nên vô cùng dễ dàng.
3. CV Maker
CV Maker cũng là một website mà bạn không nên bỏ qua khi đang loay hoay tìm kiếm công cụ hỗ trợ tạo CV xin việc. Đây là trang web tạo CV online miễn phí với đa dạng mẫu CV gợi ý, dễ dàng sử dụng kể cả với những người không biết thiết kế hoặc không rành các thao tác phức tạp trên máy tính.
4. CVHay – CareerBuilder
CVHay là website thuộc nền tảng tìm kiếm việc làm CareerBuilder. Với CVHay, bạn sẽ tạo được cho riêng mình chiếc CV cực xịn, chuẩn và thu hút các nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, CVHay đặc biệt thích hợp với sinh viên mới ra trường vì tính miễn phí của nó.
5. ResumUp
ResumUp là nền tảng tạo CV giúp cho nhiều nhân viên có được việc làm như ý. CV được tạo ra bởi ResumUp khá đặc biệt, làm cuốn hút những nhà tuyển dụng.
6. Visual CV
VisualCV là một sơ yếu lý lịch trực tuyến đa phương tiện miễn phí giúp bạn khác biệt với đối thủ khác. Với các thiết kế chuyên nghiệp, Visual CV là một trong những nền tảng tạo CV được yêu thích nhất.
Kết luận
Có thể nói, CV hay hồ sơ xin việc là tài liệu rất quan trọng, bạn có thể được nhận vào vị trí mà mình mong muốn hay không, một phần là nhờ vào CV. Ấn tượng ban đầu luôn là cái quan trọng nhất và CV chính là điều đầu tiên mà nhà tuyển dụng có thể tiếp cận đến bạn. Hiện nay, có rất nhiều mẫu CV đa dạng được đăng tải trên các website, việc của bạn là chỉ cần lựa chọn cho mình một chiếc CV yêu thích, phù hợp với công việc ứng tuyển sau đó tùy ý chỉnh sửa trên chiếc CV này.
Tuy nhiên, không phải bố cục của chiếc CV nào cũng hợp lý, bạn cần phải biết sắp xếp, và chọn lọc nội dung phù hợp để điền vào CV. Hy vọng với những tips mà TopOnSeek đã chia sẻ, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về CV và biết cách thể hiện CV của mình thật ấn tượng. Chúc bạn nhanh chóng tìm được công việc phù hợp nhé!
>>> Tìm hiểu thêm:
Tuyển dụng Thực Tập Sinh Business Analyst
Nguồn tham khảo 1: https://www.indeed.com/career-advice/resumes-cover-letters/what-is-a-cv
Nguồn tham khảo 2: CareerBuilder.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét